Trước ngưỡng cửa ba mươi, phụ nữ có nhiều lựa chọn và trong đó điều quan tâm nhất là việc có con. Có phụ nữ chọn chồng để được làm mẹ, có phụ nữ chỉ chọn làm mẹ đơn thân.
“Cả hai đều dũng cảm như nhau. Thậm chí người ta vẫn nói làm mẹ một mình là những phụ nữ dũng cảm mạnh mẽ. Tôi lại thấy những phụ nữ chọn chồng để được làm mẹ mới thật sự là dũng cảm.Tôi vẫn bảo với những cô bạn đơn thân muốn tìm lời khuyên, rằng, hãy xem, tôi chỉ hơn bạn có mỗi một tờ giấy thôi, đó là tờ đăng ký kết hôn, nhưng tôi thua kém bạn tất cả: cơ hội phát triển trong sự nghiệp, quyền tự quyết, thời gian chăm sóc bản thân, sự tự chủ trong đời, sự độc lập về tinh thần, và thậm chí không có nhiều cơ hội được ngủ dang tay chân trên một chiếc giường lớn không vướng víu….” – Nhà văn Trang Hạ bày tỏ quan điểm của mình về bà mẹ đơn thân.
Họ khao khát làm mẹ nhưng không vì thế mà chấp nhận lấy người đàn ông họ không yêu. |
Trên thực tế, những năm gần đây, trào lưu sinh con và nuôi dạy con một mình ngày càng phổ biến hơn trong giới phụ nữ trẻ. Kết quả điều tra toàn quốc về gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Tổ chức UNICEF công bố, có khoảng 2,5% dân số sống độc thân, trong đó chủ yếu là nữ giới và đa phần trong số họ chấp nhận nuôi con một mình. Xu hướng gia đình đơn thân nuôi con ngày một gia tăng theo tỉ lệ ly hôn và lượng trí thức nữ giới tại các thành phố lớn, cũng như nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ nổi tiếng công khai giãi bày chuyện sinh con một mình hoặc đơn thân nuôi con sau khi ly hôn.
Theo sự phát triển, quan niệm của xã hội cũng đã thay đổi, phụ nữ không nhất thiết phải kết hôn mới sinh con. Nhiều phụ nữ do lỡ làng trong chuyện tình cảm, hay có một cú sốc về tâm lý không muốn lấy chồng nhưng vẫn muốn có con đã chọn giải pháp này. Họ khao khát làm mẹ nhưng không vì thế mà chấp nhận lấy người đàn ông họ không yêu.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia xã hội học, khi lựa chọn nuôi con một mình, người phụ nữ nên nhìn thấy trước những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt. Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà người mẹ đơn thân gặp nhiều hay ít khó khăn. Thực tế đã diễn ra cảnh nhiều người mẹ đơn thân khó khăn về kinh tế, nhất là lúc đau ốm, hoạn nạn không ai chăm sóc. Họ bị sức ép từ cha mẹ, họ hàng và chính từ bản thân mình, điều này không dễ để vượt qua.
Đặc biệt, đối với đứa trẻ, do đặc điểm giới tính (đàn ông cứng rắn, kiên quyết hơn), người mẹ dù có cố gắng đến đâu cũng không thay thế được vai trò người cha. Thông thường, những bà mẹ đơn thân sẽ cố gắng tìm cách bù đắp sự khuyết thiếu của người cha. Chính vì vậy, những đứa trẻ dễ bị nuông chiều quá mức dẫn đến sự phát triển lệch lạc.
“Những khó khăn luôn diễn ra trong đời sống của những người lưa chọn là single-mom. Song, tôi thấy đáng sợ hơn là những người bị buộc phải làm single-mom mặc dù vẫn có chồng, vẫn có gia đình. Vừa phải nuôi chồng vừa phải vượt cạn, một mình, vừa “nằm ổ” sau sinh vừa phải cáng đáng mọi gánh nặng kinh tế cũng như công việc trong gia đình. Những người mẹ “độc thân” bất đắc dĩ ấy trong gia đình nhiều tới mức, tôi đã gặp ở mẹ tôi, ở bạn bè mẹ tôi, ở bạn bè tôi, ở đời tôi, ở những người tôi gặp, tôi quen, tôi nghe kể….”, nhà văn Trang Hạ chia sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét