Thư gởi cho bố,cảm xúc gia đình
Gia tài bố cho con là tình thương yêu vô bờ bến của bố, làm sao con dùng của cải mua được để thế vào. |
Bố yêu quý của chúng con.
Bố mất cả hai mươi nhăm năm rồi, nhưng mỗi lần chúng con nhắc đến bố, vẫn tưởng ra được như bố đang đứng trước mặt chúng con. Đối với chúng con, bố không hề mất, bố luôn hiện hữu lúc chúng con cần một nơi nương dựa tinh thần. Ôi, tinh thần lúc nào mà không cần nương dựa!…Bố là cả một gia tài to tát mà con được hưởng trong suốt đời người, khi bố mất, là lúc con tưởng như mình bị khánh tận. Gia tài bố cho con là tình thương yêu vô bờ bến của bố, làm sao con dùng của cải mua được để thế vào. Nhưng thật sự con đâu có khánh tận, những tình thương bố tích lũy trong tâm anh, chị, em con, lúc nào cũng còn đầy ắp, dù chúng con có cho đi.
Con nhớ những ngày bé dại. Những buổi sáng mùa đông Hà Nội, con và cô út được bố lo cho chúng con đi học trước khi bố đi làm. Con nhớ chiếc chậu thau đồng đặt trên một cái đôn sứ, bố pha nước nóng vào lau mặt, rửa tay cho chị em con mỗi buổi sáng, trước khi mẹ cho ăn điểm tâm (cô út bé quá, chắc không nhớ hết được.)
Bố lau nhẹ nhàng vầng trán con, hai mắt của con, vừa lau vừa nói chuyện, như đánh thức cho con tỉnh ngủ, rồi ngâm hai bàn tay con vào nước nóng cho con ấm hẳn lên. Bố mặc áo len cho con, cài khuy kỹ càng xong mới giao chúng con cho mẹ.
Con nhớ những ngày tản cư chạy về quê, bao giờ chỗ ổ rơm ấm áp, bố cũng nhường cho vợ con; thức ăn mẹ gắp vào bát bố, bố lại gắp sang bát chúng con.
Bao giờ bố cũng kêu no trước vợ con, mặc dù nồi cơm chạy loạn chẳng làm sao phân chia đủ cho cả nhà. Bố hiền từ, tốt bụng, nên khi nhà mình chạy loạn về Thái Bình, trú ngụ ở gần chùa, bố hay ra chùa dậy học dân quê, mọi người gọi bố là ông thần (trong khi tên bố là Thuần) ở chùa. Có người còn gọi bố là ông bụt.
Bây giờ tuổi con già hơn tuổi bố mẹ hồi đó rồi, bố và mẹ không còn nữa, con lại sống đời tha hương. Mỗi buổi sáng chớm đông, con đứng dí mũi vào kính nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống sóng nước của chiếc hồ bên dưới kia, đang co ro trong sương lạnh, con nhớ bố, mẹ vô cùng, con thường khe khẽ đọc câu Kiều:
Dặm ngàn nước thẳm non xa
Biết đâu thân phận con ra thế này.
Con thấy hai mắt mình cay xè, thấy như có bố đang đứng cạnh con, nghe con đọc những bài học thuộc lòng hồi nhỏ. Ôi, sao mà con nhớ! Hình ảnh bố nhìn con với ánh mắt hài lòng, gật, gật đầu nói khẽ: “Thần đồng của bố” Cô bé lớp tư (lớp 2 bây giờ) trường Hàm Long như con sáo nhỏ, là thần đồng của riêng bố mà thôi.
Hình ảnh tình cảm cha con gần gũi thương yêu |
-Uống đi con, mẹ nấu cơm còn lâu lắm.
Có khi con cầm, rồi lại để xuống, không uống, mải nói chuyện với mẹ, hay đi thay quần áo, xong quên mất. Nhưng bố không quên, bố lại cầm ly sữa đến đưa tận miệng con, như con còn bé lắm. Con nhớ khi chị con ở tiểu bang khác dọn về ở chung để sanh em bé, cho có cha mẹ phụ.
Mỗi lần làm bình nước nóng cho chị chườm bụng, hai bố con mình thế nào cũng có chuyện. Bố chỉ sợ con tay yếu, lóng cóng đổ nước sôi vào tay, con sợ bố già, mắt kém cũng đổ nước sôi vào tay.
Hai bố con cứ canh chừng nhau, không ai muốn người kia làm việc đó. Không biết con lơ đễnh làm sao, mỗi khi con tính đi thay bình nước nóng cho chị, bố cũng đã làm trước rồi. Bố ơi! Sao chuyện khó khăn nhỏ bé đến thế nào, bao giờ bố cũng gánh vác cho con (con viết đến đây con lại khóc.)
Con nhớ hình ảnh bố khi phụ với mẹ đóng thùng hàng gửi về Việt Nam cho anh con, còn kẹt lại quê nhà.
Bố im lặng, như cái bóng bên mẹ, âm thầm bỏ cái áo sơ mi, cái quần tây đang còn dùng của bố vào, bỏ gói kẹo con mua cho riêng bố, bỏ chai thuốc cảm đã dùng một nửa. Con quan sát bố, lòng con rưng rưng. Không biết khi thùng hàng về đến quê nhà, liệu con, cháu có biết cái tình thương âm thầm của cha, ông, gửi vào những thứ bé nhỏ đó không? Hay chỉ chú ý vào những món hàng bán được.
Rồi con đi lấy chồng, bố mẹ cũng dọn vào để bà trông cháu, ông làm đủ thứ việc, từ cắt cây đến sơn cửa. Bố sơn cả từng viên gạch đi vào nhà, đến nỗi con rể đi làm về tưởng vào nhầm nhà hàng xóm. Bố lại nâng niu mấy đứa cháu ngoại như nâng niu chị em con ngày trước. Lúc các cháu nóng đầu, mọc răng, bố còn cuống lên hơn cả chính con.
Con nhớ dáng bố cao, gầy, đầu bố hói, bố nói năng từ tốn, và không cáu giận với vợ con bao giờ. Con nghĩ mẹ thật hạnh phúc có bố trong đời, chúng con may mắn được hưởng tình thương yêu của bố như một kho tàng vô tận.
Con chẳng muốn ví bố như núi. Vì núi khô khan và nghiêm khắc quá! Con chẳng muốn ví bố như vầng dương soi sáng đời con.
Vì vầng dương huy hoàng chói chang quá! Cả hai đều không thích hợp với bố. Tình thương của bố cho chúng con đơn sơ lắm: như ly sữa nhỏ bé đưa vào tận tay con, khi con đã ở tuổi ba mươi; như bình nước nóng bố làm cho chị con chườm bụng; như chai thuốc còn một nửa bố bỏ vào thùng cho anh con; như chiếc khăn mặt nóng bố lau mặt hai cô con gái nhỏ ngày thơ dại.
Bố ơi! Hai bàn tay con còn ấm đến bây giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh cái chậu thau đồng đặt trên cái đôn sứ, có hai bàn tay của bố cầm hai bàn tay nhỏ của con ngâm trong đó. Con lớn, con mới hiểu, không phải nước nóng, mà chính tình thương yêu trong hai bàn tay bố đã truyền sang làm ấm mãi, suốt một đời con.
Con biết, một ngày nào đó, trong một thế giới mông lung nào đó, bố con mình sẽ lại có nhau. Con sẽ được đặt lại hai bàn tay con trong hai bàn tay bố, và bố lại truyền hơi ấm cho con, dạy cho con biết chia sẻ hơi ấm cho người khác. Thế giới nào cũng cần hơi ấm của thương yêu.
không phải nước nóng, mà chính tình thương yêu trong hai bàn tay bố đã truyền sang làm ấm mãi, suốt một đời con. |
Bố không còn đứng trước mặt con bằng xương da nữa, nhưng tình thương yêu của bố lúc nào cũng tràn đầy trong con. Con cám ơn bố đã cho con hai bàn tay ấm trong đời sống tẻ lạnh nhân gian này. Đó là một gia tài vô tận, con đã đem phần gia tài ấm áp đó tiêu hoang cho bao nhiêu người khác, đến bây giờ vẫn thấy chẳng hề vơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét