Chị sẽ không đứng yên bỏ mặc cuộc hôn nhân của mình chết chìm trong không khí ngột ngạt ấy.
╔════════ ೋღ♥ღღೋ ════════╗
góc tình yêu chúc mọi người một ngày vui vẻ nhé...
╚════════ ೋღ♥ღღೋ ════════╝
Đến tận khi cầm được chùm chìa khóa căn nhà chung cư ấy trong tay, chị mới tạm yên lòng. Nhẽ ra phải vui mừng lắm, vì để có nó, chị đã phải toan tính và sắp đặt kế hoạch trong hơn một năm trời, mất ăn mất ngủ. Ấy vậy mà từ lúc bước vào căn nhà trống trơn còn nguyên mùi sơn mới, ngồi đơn độc đối diện với lòng mình, bỗng nhiên chị khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi như nỗi lòng buồn khổ, u uất, âm ỉ giày vò chị bấy lâu.
Suốt gần sáu năm sống cùng chồng, chị đã mất bốn năm trong cảnh đau khổ mòn mỏi đợi chờ một đứa con, sau đó là hơn một năm dọn đường cho sự ra đi. Thử hỏi còn lại bao nhiêu tháng ngày hạnh phúc? Ngắn ngủi đến mức sau này chị cứ ngỡ nó là một giấc mơ. Sáu năm kể từ khi bước vào đời sống hôn nhân, chị không còn là cô giáo Trà xinh đẹp, hiền lành của ngày xưa. Bây giờ, chị chẳng có gì trong tay ngoài đứa con gái ba tháng tuổi. Những đêm dài trằn trọc khiến chị xanh xao, gầy mòn. Bạn bẻ bảo trông chị tiều tụy và nhàu nhĩ quá. Từ chỗ chỉ biết làm vợ ngoan, dâu thảo, giờ chị đã biết toan tính thiệt hơn, mưu mô từng đường đi nước bước. Những lúc cay đắng nhất, chị từng hỏi: vì đâu nên nỗi…
Chị lấy chồng bằng tuổi, dẫu hai người không còn bé bỏng gì, nhưng cưới nhau rồi chị mới thấy anh chưa chín chắn, không thể làm bờ vai vững chắc cho chị nương tựa. Nhà anh giàu, sống gia giáo nền nếp từ cách nghĩ, cách ăn ở, cư xử trong nhà, đến đôi đũa đặt trên mâm, đôi dép đặt ngoài bậc cửa, cái khăn mặt trên dây phơi… tất cả đều phải ngay ngắn, có trên có dưới. Cuộc đời ngăn nắp quá cũng buồn, huống chi sự ngăn nắp trong nhà chồng ngột ngạt vô cùng, đôi lúc chị cứ nghĩ mình là nàng dâu thời phong kiến với đủ thứ phép tắc. Trong gia đình, mọi quyền hành thuộc về người mẹ chồng hà khắc. Chồng chị thì sợ mẹ, mọi định liệu trong gia đình đều răm rắp theo mẹ mà không suy tính đúng sai. Ngay cả việc sinh con đẻ cái cũng vậy, lấy nhau hai năm không có tin vui, chị giục anh đi khám nhiều lần, nhưng anh không chịu đến bệnh viện. Mẹ chồng thì cứ khăng khăng cho rằng cái lỗi không sinh nở được là của người đàn bà, chứ nhà bà sống phúc đức, con cái đề huề, nhất quyết không phải tại dòng giống “bên này”. Đã vậy, bà không ngừng bóng gió xa xôi “Cây độc không trái/gái độc không con” khiến chị bao lần chẳng nuốt nổi cơm. Chồng chị cũng cùng suy nghĩ với mẹ nên chẳng đoái hoài gì đến vợ, đôi lúc còn mặt nặng mày nhẹ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Chỉ riêng tiếng chồng thở dài ngao ngán mỗi đêm cũng đủ khiến chị thấy đời sao mà bạc bẽo...
Cho đến khi chị tới chuyên khoa hiếm muộn, làm đủ thứ xét nghiệm và mang về chìa trước mặt nhà chồng tờ giấy cho thấy sức khỏe sinh sản của chị hoàn toàn bình thường, nhà chồng mới thôi nhiếc móc con dâu. Và cũng phải đến tận khi mẹ giục giã, chồng chị mới chịu đi khám chữa. Chồng chạy chữa gần hai năm thì chị có tin vui. Khỏi phải nói chị hạnh phúc đến nhường nào, mất bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng ông trời đã ban cho chị đứa con.
Càng nghĩ về con, chị càng thấy mình có trách nhiệm phải nuôi dưỡng con lớn lên trong một môi trường tốt. Chị không muốn con giống bố nó, mọi thứ đều nhất nhất nghe theo sự định liệu của người khác. Môi trường sống trong gia đình nhà chồng chị thừa nguyên tắc nhưng lại thiếu tình thương, sự lắng nghe, cảm thông và chia sẻ. Mà thiếu đi những thứ đó, liệu có còn đúng nghĩa là một gia đình? Chồng chị cũng vậy thôi, anh nghe theo mẹ không phải vì anh sợ, cũng chẳng phải vì kính trọng hay yêu thương. Đơn giản vì là thói quen. Thứ thói quen không chỉ làm người lớn chây ỳ, thiếu chính kiến mà còn kìm hãm sự phát triển trí óc, tâm hồn con trẻ. Nếu nhìn thấy trước những điều bất ổn mà không tìm cách bảo vệ con thì liệu chị có phải là người mẹ tốt hay không? Nếu là con gái, chị không muốn sau này con ích kỷ độc đoán, chỉ biết nghĩ đến cảm giác của riêng mình. Nếu là con trai thì ít nhất con chị phải biết sống trách nhiệm với những gì mình chọn lựa. Từ lúc những ý nghĩ ấy xuất hiện, nó thôi thúc chị dọn đường rời khỏi nhà...
Xách va ly ra đi thì dễ, nhưng làm sao để sự giải thoát này trọn vẹn, yên ấm thì không dễ chút nào. Chị không muốn phải ký vào tờ giấy ly hôn. Vì nghĩ cho cùng con chị vẫn cần có cha. Chồng chị cũng đáng thương. Anh sống trong môi trường ấy thì làm sao tránh được một nếp nghĩ, nếp sống đã định hình sẵn. Sáu năm làm vợ, chị chỉ thấy anh vay mượn buồn vui từ mẹ. Chưa bao giờ thấy anh nói thèm ăn thứ này thứ kia, muốn làm điều này điều nọ. Mẹ sắp xếp cho anh mọi thứ, kể cả việc cuối tuần hai vợ chồng chị nên đi chơi đâu, mấy giờ phải về. Tuần trăng mật của các con, mẹ chồng cũng đặt sẵn khách sạn và chọn một nơi mà theo bà là ổn, dù đó là nơi chị không thích, thời tiết quá lạnh, không phù hợp với người bị bệnh khớp và viêm xoang như chị. Dù vậy, chồng vẫn nhất quyết đi, báo hại chị cả tuần nằm đắp chăn nghe cơ thể mình nhức buốt. Cả đời anh, chắc chỉ riêng việc yêu và lấy chị là không theo sắp đặt, nhưng biết đâu sau này, anh sẽ đơn độc như bố chồng, suốt ngày nhốt mình trong phòng đọc sách, im lặng để không phải can thiệp vào bất cứ việc gì. Bố chồng không hạnh phúc, ông cũng không còn tin tưởng ai để sẻ chia. Lần đầu tiên khi chị bước chân vào ngôi nhà này, chị đã thấy ông nhìn chị buồn vời vợi. Ánh nhìn như thương xót, như muốn nói bao điều đang chất chứa trong lòng. Về làm dâu trong nhà, cùng ngồi ăn với ông trong những bữa cơm, chị thấy thương ông như thương thân vậy. Ôi những tiếng cười lạnh lẽo, những niềm vui khô khan mới đáng sợ làm sao! Đến cả nỗi cô đơn cũng biết phục tùng và dằn lòng chấp nhận…
Chị sẽ không đứng yên bỏ mặc cuộc hôn nhân của mình chết chìm trong không khí ngột ngạt ấy. Chị muốn thoát khỏi ngôi nhà đó càng nhanh càng tốt. Đã từng nhiều lần chị bày tỏ mong muốn ấy với anh nhưng đều bị gạt phắt đi. Chị biết không thể trông chờ anh thay đổi nên chị tính sẽ đi từng bước một. Có bầu hai tháng, chị lùng sục khắp nơi tìm kiếm một căn nhà chung cư giá rẻ cho mua trả góp. Tìm được nhà, chị mới tỉ tê chồng vay vốn mua nhà với mục đích kinh doanh, chờ khi giá cao thì bán lại kiếm lời. Sau nhiều ngày chị thuyết phục, anh cũng đồng ý ký vào hợp đồng mua nhà. Chị chạy vạy vay mượn khắp nơi để đóng số tiền đặt cọc ban đầu, còn lại sẽ trừ dần vào lương vợ chồng hàng tháng. Dĩ nhiên việc đó mẹ chồng không biết, chị sợ bà đủ thông minh để hiểu ra ý đồ của cô con dâu đang manh nha nổi loạn. Chẳng có chuyện kinh doanh nào cả, thực ra là chị muốn chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời một ngôi nhà đủ bình yên. Chị tính khi sinh xong sẽ chuyển đến nhà mới sống. Nơi ấy là mái ấm chị phải lao tâm khổ tứ để lo liệu cho con. Chị cũng tin anh sẽ không bỏ vợ con một mình, nếu không vì chị, chắc anh cũng phải vì con.
Hôm nay, đơn vị quản lý chung cư đã bàn giao nhà, vậy là kế hoạch của chị sắp hoàn thành. Dù việc dọn đường này thật chẳng đơn giản chút nào, chỉ riêng việc chị tự giày vò mình cũng đã quá mệt mỏi rồi. Đấy là chưa kể những ngày tháng tiếp theo, chị sẽ phải đối mặt với chồng khi nói ra sự thật. Nó có thể chưa khủng khiếp bằng lúc anh phải đối mặt với mẹ mình để đi đến một sự lựa chọn. Cũng có thể kết quả không được như chị muốn, nhưng chị biết chắc một điều, cuộc sống của con chị sẽ khác. Đây là việc tốt nhất một người mẹ nên làm để cảm ơn ông trời đã mang con đến bên đời…
Vũ Thị Huyền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét